0984.064.115

SẮP XẾP, TỔ CHỨC LẠI ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CÁC CẤP VÀ XÂY DỤNG MÔ HÌNH TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG 2 CẤP

       1. Tầm quan trọng, ý nghĩa việc thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp

– Chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp là một định hướng lớn, mang tầm chiến lược của Đảng và Nhà nước đang được triển khai khẩn trương, nhằm hiện thực hóa mục tiêu đổi mới toàn diện hệ thống chính trị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.

– Mục tiêu cao nhất của việc sắp xếp ĐVHC là nhằm phát triển đất nước, mở rộng không gian phát triển cho ĐVHC mới, phát huy vai trò dẫn dắt của các vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng; ưu tiên sắp xếp các ĐVHC miền núi, đồng bằng với các ĐVHC có biển; kết hợp hài hòa, hợp lý các ĐVHC có vị trí liền kề gắn với yêu cầu định hướng phát triển để hỗ trợ lẫn nhau, cùng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của ĐVHC sau sắp xếp và yêu cầu, định hướng phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong giai đoạn mới.

– Sắp xếp ĐVHC và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp là yêu cầu cấp thiết, tất yếu nhằm tái định vị không gian phát triển tự nhiên và kinh tế, gắn kết về lịch sử, văn hóa, địa lý để hình thành nên một thực thể hành chính – kinh tế có quy mô đủ lớn; từ đó, mở rộng tầm phát triển đi đôi với đổi mới, nâng cao năng lực quản trị đủ mạnh, có sức cạnh tranh cao để hội nhập chuỗi giá trị quốc gia và toàn cầu.

– Tạo điều kiện để địa phương và đất nước ta phát triển đồng đều hơn, hình thành các trung tâm kinh tế mới có sức cạnh tranh cao hơn ở cả tầm khu vực và quốc tế. Quan trọng hơn là để hướng tới mục tiêu hình thành chính quyền số, quản trị số, phát triển đô thị thông minh, vùng kinh tế tích hợp và hành chính linh hoạt giúp giao dịch hành chính được xử lý nhanh, minh bạch, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp theo quan điểm “cái mới phải tốt hơn cái cũ”, Nhân dân phải được phục vụ tốt hơn.

– Tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng quản trị: Việc sắp xếp ĐVHC giúp loại bỏ tình trạng chồng chéo, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ giữa các cấp, giảm số lượng cán bộ không cần thiết, từ đó tạo ra một bộ máy gọn nhẹ, hoạt động hiệu quả, sát dân, gần dân và vì dân.

– Tăng cường tính tự chủ, phân quyền hợp lý: Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là cơ hội để phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm giữa cấp tỉnh và cấp xã, bảo đảm nguyên tắc “Trung ương quản lý vĩ mô, địa phương quyết định và chịu trách nhiệm thực hiện”.

– Phù hợp xu hướng phát triển hiện đại: Sắp xếp đơn vị hành chính và tinh gọn tổ chức bộ máy là yêu cầu tất yếu trong cải cách hành chính, chuyển đổi số, hội nhập quốc tế, tạo nền tảng vững chắc cho một nền hành chính số, chuyên nghiệp, công khai và minh bạch.

* Việc sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp mang ý nghĩa thiết thực

– Phát triển kinh tế – xã hội bền vững: Sáp nhập, hợp nhất các đơn vị hành chính tạo điều kiện mở rộng không gian phát triển, liên kết vùng hiệu quả hơn, huy động và sử dụng hợp lý các nguồn lực đầu tư, đặc biệt ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tiết kiệm ngân sách, tăng chi cho đầu tư phát triển: Việc giảm đầu mối tổ chức giúp giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư cho hạ tầng, giáo dục, y tế, an sinh xã hội, mang lại lợi ích lâu dài và bền vững.

– Đáp ứng yêu cầu Đại hội XIV của Đảng và Chiến lược phát triển đất nước đến năm 2045: Việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và mô hình chính quyền 2 cấp là một bước đi cụ thể để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2045, đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao.

    2. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trong tỉnh Sơn La: Bước đi chiến lược, vì một chính quyền tinh gọn – hiệu quả – hiện đại

– Thực hiện các nghị quyết, kết luận quan trọng của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội và Chính phủ về sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính các cấp, tỉnh Sơn La đang tích cực triển khai việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã một cách đồng bộ, bài bản và đúng tiến độ.

– Đây không chỉ là hành động mang tính kỹ thuật tổ chức, mà còn là bước đi chiến lược thể hiện tầm nhìn dài hạn, tư duy đổi mới và quyết tâm chính trị mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền tỉnh Sơn La trong xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tinh gọn, hiệu lực và phục vụ tốt hơn cho Nhân dân.

* Việc sắp xếp thể hiện:

– Tầm nhìn phát triển bền vững và toàn diện: Sơn La đang từng bước tái cấu trúc hệ thống quản lý nhà nước theo hướng hiện đại, phù hợp với yêu cầu phát triển của thời kỳ hội nhập và chuyển đổi số. Việc sáp nhập, tổ chức lại các xã có quy mô nhỏ, dân cư thưa thớt giúp hình thành các đơn vị hành chính mới đủ lớn để quy hoạch hiệu quả, thu hút đầu tư và phát triển hạ tầng đồng bộ.

– Tăng cường hiệu lực, hiệu quả bộ máy chính quyền: Khi bộ máy quản lý địa phương được tinh gọn, việc điều hành, chỉ đạo trở nên thông suốt, rõ ràng, hạn chế chồng chéo chức năng và nhiệm vụ. Điều này giúp nâng cao năng lực phục vụ của chính quyền cấp xã, giảm chi phí vận hành và tăng hiệu quả sử dụng ngân sách.

– Phân bổ lại nguồn lực công bằng và hợp lý hơn: Sáp nhập đơn vị hành chính giúp mở rộng địa bàn, tăng quy mô dân số và kinh tế của từng đơn vị, từ đó tạo điều kiện để đầu tư công được thực hiện tập trung, hiệu quả hơn, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông, nông thôn mới và an sinh xã hội.

– Phù hợp với xu thế số hóa, đô thị hóa và hội nhập: Trong bối cảnh chuyển đổi số, hội nhập quốc tế sâu rộng, chính quyền địa phương cần có quy mô, năng lực tương xứng để ứng dụng công nghệ, quản trị thông minh và tiếp cận các mô hình quản lý hiện đại. Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chính là lời giải tối ưu để thích ứng với những yêu cầu đó.

* Gắn với các nhiệm vụ chính trị trọng tâm

– Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại Sơn La cũng được gắn kết chặt chẽ với công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La khóa XVI và tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

– Đặc biệt, tỉnh Sơn La đã triển khai nghiêm túc các nghị quyết trụ cột của Bộ Chính trị – được ví như “bộ tứ thể chế” định hình tương lai đất nước:

  •  Nghị quyết 57-NQ/TW: Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Ban thường vụ tỉnh uỷ Sơn La đã ban hành Kế hoạch số 333-KH/TU triển khai nghị quyết)
  • Nghị quyết 59-NQ/TW: Hội nhập quốc tế trong tình hình mới (Ban thường vụ tỉnh uỷ Sơn La: Đã ban hành Kế hoạch số 311-KH/TU thực hiện)
  • Nghị quyết 66-NQ/TW: Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật (Ban thường vụ tỉnh uỷ Sơn La: Đã ban hành Kế hoạch số 342-KH/TU triển khai sâu rộng)
  • Nghị quyết 68-NQ/TW: Phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng (Ban thường vụ tỉnh uỷ Sơn La: Đã ban hành Kế hoạch số 346-KH/TU cụ thể hóa nghị quyết)

– Việc thực hiện hiệu quả các nghị quyết này không thể tách rời với việc tổ chức lại bộ máy chính quyền một cách tinh gọn, chuyên nghiệp – từ đó hình thành nền hành chính hiện đại, số hóa, gần dân, vì dân

Một góc của tỉnh Sơn La

    3. Đẩy mạnh thi đua yêu nước, lan tỏa niềm tin vào nhiệm kỳ mới tại tỉnh Sơn La

– Trong bối cảnh toàn tỉnh Sơn La đang tích cực triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính các cấp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh, cấp xã), công tác tuyên truyền thi đua yêu nước cần được đẩy mạnh và đổi mới mạnh mẽ để tạo nên khí thế sôi nổi, đồng thuận và quyết tâm trong toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân.

– Phong trào thi đua yêu nước là động lực quan trọng để cổ vũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân tích cực tham gia vào tiến trình đổi mới của tỉnh. Đặc biệt tại các địa phương, cơ quan đang thực hiện sáp nhập, hợp nhất, tinh thần thi đua càng cần được khơi dậy mạnh mẽ nhằm:

  • Củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và quyết sách của Trung ương;
  • Tạo động lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế – xã hội;
  • Phát huy tinh thần “đồng lòng – đồng hành – đồng kiến tạo” giữa các địa phương và người dân trong tỉnh.

Thi đua phải gắn với những việc làm cụ thể: hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, giữ vững kỷ cương hành chính, đổi mới tư duy quản trị, ứng dụng chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế địa phương…

– Tăng cường đấu tranh phản bác thông tin sai lệch, thù địch: Song song với công tác cổ vũ thi đua, cần chủ động tăng cường đấu tranh với các luận điệu sai trái, xuyên tạc, thông tin xấu độc trên không gian mạng liên quan đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy và thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp.

– Các tổ chức, địa phương cần:

  • Nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, người dân về bản chất, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch;
  • Tăng cường tuyên truyền chính thống, định hướng dư luận kịp thời, chính xác;
  • Phát hiện và phản bác thông tin bịa đặt, gây hoang mang, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân;
  • Khuyến khích người dân chủ động tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng môi trường mạng lành mạnh, tích cực.
  • Tinh thần mới – Khí thế mới – Kết quả mới

* Việc sắp xếp tổ chức bộ máy và thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp là nhiệm vụ lớn, chưa từng có tiền lệ, đòi hỏi sự đồng lòng, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và Nhân dân. Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại tỉnh Sơn La không làm thay đổi bản chất tổ chức chính quyền, mà là hành động chủ động, tích cực nhằm tối ưu hóa bộ máy, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, tạo đà phát triển nhanh và bền vững.Tuyên truyền thi đua yêu nước không chỉ là cổ vũ mà còn là khẳng định bản lĩnh chính trị, tinh thần hành động vì lợi ích cộng đồng, vì tương lai của tỉnh nhà.

Tỉnh Sơn La đang từng bước thể hiện rõ quyết tâm “sắp xếp để phát triển, tinh gọn để mạnh hơn”, cùng cả nước hiện thực hóa tầm nhìn Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.