0984.064.115

Nhận biết nguyên nhân và cách phòng ngừa bệnh ghẻ

Hãy cùng BSCKI.Hà Văn Thanh – Phó Giám đốc Bệnh viện Phong và Da liễu “Nhận biết nguyên nhân và cách phòng ngừa bệnh ghẻ” tại chương trình Beauty Talk tập 11 do chuyên trang Ngoisao.net và Tập đoàn Dược mỹ phẩm châu Âu (EUPC Group) phối hợp tổ chức

https://ngoisao.vnexpress.net/ly-do-khien-tre-em-de-mac-benh-ghe-4815437.html

https://ngoisao.vnexpress.net/benh-ghe-co-the-tai-phat-4815436.html

1.Bệnh ghẻ là gì? 

Ghẻ là một bệnh lý về da thường gặp, do nhiễm ký sinh trùng ghẻ gây nên (có tên khoa học Sarcoptes scabiei Hominis). Người Việt Nam thường gọi là ghẻ nước hay ghẻ cái, thường xảy ra trong điều kiện thời tiết nóng ẩm (xuân – hè), thiếu nước sạch sinh hoạt…

Bệnh ghẻ lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua quần áo, chăn chiếu có ghẻ và trứng ghẻ. Bất kỳ đối tượng nào, ảnh hưởng đến mọi tầng lớp trong xã hội, dù nam hay nữ, dù già hay trẻ đều có thể mắc bệnh ghẻ nhưng thường là hay gặp ở trẻ nhỏ (lứa tuổi học đường) do thường xuyên tiếp xúc khi sinh hoạt chung trong nhà trường, lớp học. Sau đó, các em về nhà lại lây cho người thân và những người xung quanh, tạo thành một nguồn lây nhiễm.

BS.CKI Hà Văn Thanh, Phó giám đốc Bệnh viện Phong và Da liễu tỉnh Sơn La, tại buổi tọa đàm (Ảnh trích dẫn từ báo Ngoisao.net)

2. Dấu hiệu nhận biết bệnh

Các triệu chứng thường gặp của bệnh ghẻ như một số con ghẻ sẽ gây ra mụn nước, sau đó do người bệnh ngứa, gãi nhiều làm xước da dẫn đến vi khuẩn xâm nhập vào da gây nên nhiễm trùng, tạo thành ghẻ bội nhiễm. Một số con ghẻ khác lại gây ra mụn đỏ, sẩn đỏ hoặc luống ghẻ trên cơ thể. Thông thường hay tập trung nhiều ở kẽ tay, cổ tay, vùng nách, lưng, bụng, bẹn… ngứa dữ dội toàn thân, nhất là vào ban đêm. Nam giới có thể xuất hiện ở bộ phận sinh dục. Ngoài ra, còn một loại ghẻ nữa được gọi là ghẻ vảy (hay ghẻ Na Uy), gây bệnh nặng, với số lượng nhiều cái ghẻ nhưng thể này thường ít gặp.

Không ít người nhầm lẫn các triệu chứng của bệnh ghẻ với những bệnh viêm da khác nên tự đi mua thuốc bôi ngoài da về dùng nhưng chỉ giảm ngứa, bệnh không khỏi. Ngày càng xuất hiện nhiều các mụn ngứa ở kẽ tay, cổ tay, vùng bẹn; các sẩn đỏ lan ra toàn thân; ngứa nhiều về đêm… Vì vậy người bệnh cần tới các cơ sở y tế để được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa da liễu nhằm xác định rõ bệnh.

3. Phương pháp điều trị bệnh ghẻ

Bác sĩ Hà Văn Thanh cho biết với sự phát triển của khoa học và công nghệ, hiện có nhiều loại thuốc điều trị ghẻ, có thể điều trị khỏi hoàn toàn và đa phần bệnh ghẻ không tái phát lại. Một số ít trường hợp người bệnh bị tái phát do trứng ghẻ vẫn còn ở trong da, chưa tiêu diệt hết; hoặc việc tiếp xúc với đối tượng khác bị ghẻ cũng có khả năng khiến bệnh quay trở lại.

Thuốc bôi ghẻ thông dụng hiện nay được sử dụng rộng rãi là DEP (Diethyl phthalate) hoặc một số loại thuốc bôi dạng kem, nước, sữa để trị ghẻ. Tuy nhiên, với phụ nữ có thai hay đang cho con bú hoặc trẻ nhỏ, việc điều trị sẽ trở nên phức tạp hơn. Với trẻ nhỏ khi bị ghẻ thể nặng, phải dùng thuốc toàn thân, chống nhiễm khuẩn, thuốc xịt ghẻ, sữa tắm ghẻ… vì sau khi sử dụng thuốc bôi DEP (Diethyl phthalate), dễ gây nóng, trẻ nhỏ khó chịu, quấy khóc. Còn với phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, bác sĩ cần lựa chọn thuốc cẩn thận để tránh làm ảnh hưởng tới thai nhi, bà bầu và trẻ nhỏ.

Do đó, bác sĩ Hà Văn Thanh khuyên người bệnh nên đi khám sớm. Để phát hiện kịp thời sẽ giúp thời gian điều trị bệnh rất ngắn, chỉ khoảng 3 – 5 ngày hoặc một tuần. Việc tự bôi kem chống ngứa ở nhà chỉ giúp giảm triệu chứng tạm thời, không tiêu diệt được ký sinh trùng ghẻ, dễ dẫn tới lây lan. Nên điều trị đồng thời cho cả người tiếp xúc và ở chung nhà với người bệnh.

Bác sĩ Hà Văn Thanh trao đổi với MC Vân Anh tại tọa đàm (Ảnh trích dẫn từ báo Ngoisao.net)

4. Những lưu ý khi bị bệnh ghẻ

Một số người bệnh dùng lá cây giúp giảm triệu chứng do bệnh ghẻ gây ra. Với những bệnh thể nhẹ, đôi khi, người bệnh tự điều trị ở nhà có thể chữa khỏi nhưng phương pháp điều trị này thường kéo dài, dễ gây khó chịu ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt. Đặc biệt, có một số trường hợp bị dị ứng với lá cây gây ra tình trạng da bị kích ứng, bệnh nặng lên, thậm chí bị chảy dịch, chảy mủ, mặt phù, chân tay, tấy đỏ toàn thân, có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng, chàm hoá, thậm chí là suy gan, viêm cầu thận hay ảnh hưởng đến các bộ phận khác trên cơ thể. Đối với trẻ nhỏ mắc ghẻ nặng có thể gặp triệu chứng rầm rộ, mụn nước, mụn mủ, mụn nhiễm trùng, sẩn đỏ toàn thân. Điều này khiến việc chữa trị trở nên vô cùng khó khăn.

Ngoài thăm khám và chữa trị kịp thời, theo bác sĩ Thanh, những người bị bệnh ghẻ cần ăn uống điều độ, khoa học và giữ vệ sinh, tắm rửa sạch sẽ, cắt móng tay, nên ngủ riêng chỉ dùng đồ cá nhân của mình và giặt riêng để tránh lây lan cho những người xung quanh. Không nên kiêng gió, kiêng nước, không tắm như dân gian truyền nhau, cần phải hiểu đúng bản chất của bệnh. Sau khi khỏi hẳn, người bệnh nên tổng vệ sinh nhà cửa, vật dụng cá nhân; sử dụng nước nóng hoặc bàn là nóng để là quần áo nhằm tiêu diệt ghẻ và một số vi khuẩn khác; hoặc nên đi giầy, ủng khi phải lội nước đối với những nơi đang xảy ra lũ, ngập lụt.

BSCKI.Hà Văn Thanh cho biết: “Bệnh ghẻ không khó chữa khi được phát hiện ngay từ những triệu chứng ban đầu và có thể chữa khỏi hoàn toàn trong thời gian ngắn nếu sử dụng đúng thuốc và liệu trình điều trị. Do đó, người mắc bệnh không cần quá lo lắng và nên tới cơ sở y tế gần nhất khi bắt gặp bất cứ triệu chứng nào của bệnh”.

Hãy đến với Bệnh viện Phong và Da liễu tỉnh Sơn La để được chữa trị kịp thời bệnh ghẻ và các bệnh về da khác (nấm, VDCĐ, nảy nến, bệnh về tình dục,…), với cơ sở vật chất khám, chữa bệnh tiên tiến, bệnh viện thường xuyên tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động KCB để rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh, phát triển các kỹ thuật mới. Bệnh viện Phong và Da liễu tỉnh Sơn La cũng luôn quan tâm đến xây dựng môi trường bệnh viện theo hướng xanh – sạch – đẹp, nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử, phong cách phục vụ của nhân viên y tế hướng tới sự hài lòng của bệnh nhân. 

Bệnh viện Phong và Da liễu tỉnh Sơn La – Nơi gửi trọn niềm tin (Video trích dẫn từ chương trình Beauty Talk)

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.