0984.064.115

GIÁO DỤC SỨC KHOẺ BỆNH VẢY NẾN

Vảy nến là bệnh viêm mạn tính, tiến triển từng đợt, dai dẳng. Bệnh đặc trưng bởi dát, sẩn đỏ ranh giới rõ, trên có nhiều vảy da trắng, dày, dễ bong, có thể gây tổn thương ở móng, khớp và các cơ quan khác.

1. Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây bệnh vảy nến chưa rõ. Người ta cho rằng bệnh vảy nến có liên quan đến rối loạn miễn dịch, yếu tố di truyền, yếu tố môi trường.

– Yếu tố di truyền: nhiều gen đã được phát hiện ở những người có HLA – B13, B17, BW57 và CW6. Đặc biệt gen HLA – CW6 gặp ở 87% bệnh nhân vảy nến.

– Cơ chế miễn dịch: bệnh vảy nến có liên quan đến tế bào lympho T ở da đặc biệt là tế bào Th1, Th17 và Th22. Hiện tại trục TNF-α – IL-23 – IL-17A được coi là đóng vai trò chủ đạo trong cơ chế bệnh sinh của bệnh vảy nến.

– Các yếu tố môi trường: stress, chấn thương, nhiễm khuẩn hoặc sử dụng thuốc.

Hình ảnh bệnh nhân vảy nến tại Bệnh viện Phong và Da liễu tỉnh Sơn La

2. Triệu chứng

– Tổn thương da: điển hình là những sẩn, mảng màu đỏ tươi, giới hạn rõ với da lành, trên có vảy da trắng, dày, dễ bong. Vị trí thường ở chỗ tỳ đè, vùng hay bị cọ xát như khuỷu tay, đầu gối, mấu chuyển, mặt duỗi các chi. Tổn thương có khuynh hướng đối xứng.

– Tổn thương móng: rỗ móng, rãnh ngang móng, móng xù xì, vạch trắng ngang móng, dấu hiệu giọt dầu, tách móng, dày sừng dưới móng, xuất huyết.

– Tổn thương khớp: sưng nóng đỏ đau các khớp, viêm một/nhiều khớp, hình ảnh lâm sàng giống viêm đa khớp dạng thấp, viêm khớp cột sống, viêm điểm bám gân và phần mềm quanh khớp tạo hình ảnh ngón tay, ngón chân hình khúc dồi.

– Tổn thương niêm mạc: thường gặp ở niêm mạc quy đầu, âm hộ. Đó là dát màu hồng, không thâm nhiễm, giới hạn rõ, ít hoặc không có vảy, tiến triển mạn tính. Ở lưỡi tổn thương giống viêm lưỡi hình bản đồ hoặc viêm lưỡi phì đại tróc vảy.

– Các triệu chứng của bệnh phối hợp: tim mạch, rối loạn chuyển hóa, tâm thần, ruột,….

3. Điều trị

– Điều trị theo mức độ bệnh: Điều trị xoay vòng và phối hợp các phương pháp với nhau.

– Điều trị phối hợp các chuyên khoa: tầm soát các bệnh lý chuyển hoá và khám các chuyên khoa khi cần.

– Quản lý bệnh thường xuyên: Điều trị nhằm kiểm soát và duy trì bệnh ở mức thấp nhất, giảm đỏ da và bong vảy, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

4. Phòng bệnh

– Tránh các yếu tố kích thích: nhiễm khuẩn, chấn thương, stress, …

– Thăm khám định kì theo hẹn.

– Không tự ý sử dụng các thuốc điều trị.

5. Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh vảy nến

  5.1. Thực phẩm người bệnh nên ăn:

– Thực phẩm chống oxy hóa: Các loại trái cây như nho, bưởi, các loại đậu, quả hạch, mơ, mận, ngũ cốc…

– Thực phẩm chứa beta carotene: Trong các loại củ như cà rốt, mơ, xoài…chứa nhiều beta carotene giúp chuyển hóa vitamin A trong cơ thể, tăng cường sự khỏe mạnh cho làn da, ngừa bệnh vảy nến tiến triển.

– Thực phẩm chứa folate: folate có nhiều trong các loại ngũ cốc, lúa mì, đậu Hà Lan, bông cải xanh, cải bắp…

– Thực phẩm chứa kẽm: có trong sò, ngũ cốc.

– Axit omega-3: có trong các loại cá như cá thu, cá hồi, hạt lanh, hạt mè, hạt hướng dương…Axit omega-3 giúp ngăn bệnh vảy nến tiến triển.

– Cá biển, giúp giảm lượng thuốc corticosteroid đến phân nửa mà không làm mất hiệu năng của thuốc nhờ có axit béo omega 3 trong cá biển có tác dụng ức chế các chất sinh viêm trong bệnh vảy nế như leucotriene 3 và 5.

– Rau quả: có nhiều beta carotin như trái bơ, cà rốt và đặc biệt là xoài giúp bảo vệ cấu trúc mỏng manh của da. Mè đen: chứa dầu béo có cấu trúc tương tự omega 3, vừa cung cấp sinh tố E cần thiết cho lớp sợi liên kết dưới da.

– Vừng đen rất tốt cho người bị bệnh vảy nến. Bông cải xanh: giúp bổ sung axid folic là tác nhân sinh học giữa vai trò quan tọng trong tiến trình tổng hợp kháng thể.

– Nghêu sò: giúp cung cấp kẽm, khoáng tố tối cần thiết không chỉ cho da mà còn cho sức đề kháng của cơ thể.

   5.2. Thực phẩm người bệnh không nên ăn:

– Tránh những thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ như đồ nướng, rán, chiên, xào…hay các loại thức ăn giàu đạm như phủ tạng động vật, tim, gan, thịt chó…

– Thịt, sữa, trứng: vì chúng chứa nhiều arachidon là chất xúc tác cho phản ứng viêm tấy không chỉ ngoài da mà trong khớp, trên thần kinh ngoại biên…

– Rượu bia: vì chúng gây ra dị ứng, hơn nữa tiến trình giải độc rượu của gan bị trì trệ rất nhiều ở người có cơ địa vảy nến.

– Người bệnh vảy nến cần tránh các loại đồ uống chứa cồn, chất kích thích như cà phê, trà đặc. Những đồ uống này sẽ tác động xấu tới người bệnh vảy nến, gây dị ứng cho da, làm bệnh nặng hơn.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.