Trứng cá là một bệnh viêm mạn tính của đơn vị tuyến bã – nang lông, đặc trưng bởi các tổn thương không viêm như mụn đầu đen, đầu trắng, hoặc tổn thương viêm như các sẩn viêm, sẩn mủ, cục, nang. Các tổn thương phân bố chủ yếu vùng nhiều tuyến bã như mặt, ngực, lưng. Bệnh thường gây ảnh hưởng tới thẩm mỹ, tâm lý và sự tự tin của người bệnh.
Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi (thời thơ ấu, tuổi thanh thiếu niên và người trưởng thành). Đối với trứng cá khởi phát ở tuổi dậy thì, tỉ lệ gặp ở nam nhiều hơn nữ. Đối với trứng cá xuất hiện sau thời kì dậy thì, tỷ lệ gặp ở nữ nhiều hơn nam.
Bệnh nhân trứng cá tại Bệnh viện Phong và Da liễu tỉnh Sơn La
1. Nguyên nhân gây bệnh
Một số yếu tố như: gia đình, nội tiết, môi trường, vệ sinh, ăn uống, căng thẳng, sử dụng mỹ phẩm, thuốc bôi không hợp lý… là tác nhân làm xuất hiện trứng cá hoặc làm bệnh nặng thêm. Có 4 cơ chế chính gây bệnh trứng cá đã được xác định, đó là tăng bài tiết chất bã, dày sừng cổ nang lông, vai trò của vi khuẩn Cutibacterium acnes (C. acnes) và các chất trung gian viêm.
2. Triệu chứng
– Tổn thương da: các tổn thương phân bố điển hình ở vùng có nhiều tuyến bã như mặt, cổ, ngực, lưng trên, cánh tay trên. Bao gồm một hoặc nhiều dạng tổn thương:
+ Mụn nhân đóng hay mụn đầu trắng: kích thước < 5mm, sẩn có màu da, trắng hoặc xám hình vòm, nhẵn hơi nhô cao hơn mặt da.
+ Mụn nhân mở hay mụn đầu đen: sẩn kích thước < 5mm, trung tâm có lỗ mở chứa chất sừng xám, nâu hoặc đen.
+ Mụn mủ: đường kính tổn thương dưới 5mm, chứa đầu mủ màu trắng hoặc vàng ở trung tâm nền đỏ.
+ Sẩn mủ: sẩn và mụn mủ tương đối nông ở bề mặt, đường kính < 5 mm.
+ Cục: sẩn to (> 5mm) hoặc cục (> 1 mm) viêm sâu, ấn đau do tổn thương viêm sâu hơn xuống trung bì.
+ Nang: tổn thương trứng cá dạng nang do tổn thương viêm chứa dịch mủ, sền sệt lẫn máu, thường mềm, dễ vỡ.
– Các di chứng sau trứng cá:
+ Tăng sắc tố sau viêm
+ Ban đỏ sau viêm
+ Sẹo: bao gồm sẹo lõm, sẹo quá phát, sẹo lồi.
3. Biến chứng
+ Sự bùng phát cấp tính các nang, cục viêm lớn kèm theo các vết trợt, loét, đóng vảy xuất huyết. Có thể kèm theo triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi, đau xương, khớp, hồng ban nút.
+ Viêm nang lông: Biểu hiện là các sẩn, cục viêm, mụn mủ trung tâm mặt, quanh mũi.
+ Phù nề cứng mặt: Ban đỏ và phù nề mô mềm vùng mặt.
+ Ảnh hưởng tâm lý do trứng cá.
4. Điều trị
– Lựa chọn thuốc tác động vào một hoặc nhiều hơn trong bốn yếu tố: sừng hóa cổ nang lông, sản xuất bã nhờn, vi khuẩn C.acnes, yếu tố viêm.
– Điều trị sớm tránh biến chứng.
– Điều trị bệnh theo mức độ.
– Cần điều trị duy trì để tránh tái phát
5. Phòng bệnh
– Tránh các yếu tố khởi động, kích thích làm bệnh nặng lên như stress, thức khuya, làm việc quá sức, ăn uống quá nhiều đường, sữa.
– Sử dụng sản phẩm chăm sóc da phù hợp: sản phẩm rửa mặt, dưỡng ẩm kiềm dầu.
6. Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh trứng cá
6.1. Các yếu tố hỗ trợ giảm mụn:
Chế phẩm sinh học chứa probiotics.
Omega-3 và Omega-6: ăn cá biển sâu 2-3 lần/tuần, mỗi bữa không quá 150g có thể bổ sung đủ theo nhu cầu khuyến nghị .
Các chất chống oxy hóa: có nhiều trong các loại thực phẩm, do vậy nên ăn đa dạng thức ăn trong bữa ăn hàng ngày.
Vitamin A
Vitamin C: hầu hết các loại trái cây và rau quả (đu đủ, dâu tây, cam, bông cải xanh, cà chua, súp lơ…)
Beta-caroten: có trong trái cây và rau quả nhiều màu sắc (cà rốt, đậu Hà lan, cải bó xôi, đu đủ, bí đỏ, khoai lang…)
Vitamin E: trong các loại hạt (hạt hướng dương, đậu phộng, hạnh nhân…), rau lá xanh (cải bó xôi, cải xoăn) và các loại dầ (dàu đậu nành, dầu hướng dương…)
Selen: được tìm thấy trong ngũ cốc (ngô, gạo,..), các loại hạt, đậu,…
Trà xanh.
Kẽm
6.2. Các yếu tố tăng nguy cơ mụn:
Sữa: trong đó sữa tách béo gây mụn nhiều hơn sữa nguyên chất .
Chế độ ăn chứa nhiều carbohydrate, đường làm tăng đường huyết .
Chế độ ăn nhiều dầu mỡ, chất béo bão hòa.
Các thực phẩm chứa nhiều iot .
Căng thẳng, stress.
Stress cũng là nguyên nhân gây tình trạng trứng cá nặng thêm