Bệnh ghẻ là bệnh da do ký sinh trùng có tên là Sarcoptes Scabies gây nên, triệu chứng nổi bật là ngứa nhiều, đặc biệt là ban đêm, gây ảnh hưởng nhiều tới giấc ngủ của người bệnh, đặc biệt là trẻ em. Bệnh dễ dàng lây lan giữa các thành viên trong gia đình nếu không được điều trị đúng cách.
1. Nguyên nhân gây ra bệnh ghẻ
Bệnh do ký sinh trùng ghẻ (cái ghẻ, S.scabies) gây ra. Cái ghẻ đào hầm dưới da và đẻ trứng, gây các phản ứng miễn dịch và ngứa. Chúng rất nhỏ, không thể nhìn bằng mắt thường mà chỉ có thể thấy trên kính hiển vi
2. Biểu hiện của bệnh
– Ngứa nhiều, đặc biệt về ban đêm.
– Mụn nước ở vị trí đặc hiệu như: Kẽ ngón tay, lằn chỉ cổ tay, nếp gấp bàn tay, vùng thắt lưng, cạp quần, bẹn, đùi, sinh dục, nách, núm vú ở phụ nữ.
– Đối với trẻ em dưới 2 tuổi có thể bị ghẻ toàn thân. Có thể dùng kính lúp soi bắt được cái ghẻ nằm ở cuối đường hầm trong da.
3. Đường lây
Bệnh ghẻ lây lan do việc tiếp xúc gần gũi giữa người với người. Bệnh cũng có thể lây do dùng chung quần áo, khăn tắm, ga chăn giường, và tiếp xúc da trực tiếp
4. Chẩn đoán
Bệnh ghẻ được chẩn đoán khi có triệu chứng lâm sàng của ghẻ, có yếu tố dịch tễ (gia đình có người bị ngứa và biểu hiện lâm sàng tương tự) và có bằng chứng trực tiếp hoặc gián tiếp của ký sinh trùng ghẻ.
Hình ảnh trẻ nhỏ bị ghẻ toàn thân tại Bệnh viện Phong và Da liễu tỉnh Sơn La
5. Điều trị
Tùy thuộc vào lứa tuổi của bệnh nhân mà bác sĩ lựa chọn các phương pháp điều trị khác nhau. Với người lớn và trẻ lớn, có thể kết hợp cả thuốc đường uống và thuốc dùng tại chỗ. Trong khi ở trẻ nhỏ, ưu tiên sử dụng các thuốc tại chỗ. Trẻ nên được khám bác sĩ da liễu để lựa chọn thuốc an toàn và phù hợp với lứa tuổi.
Các thành viên trong gia đình đều cần phải được điều trị để tránh lây lại cho nhau.
6. Phòng bệnh
– Vệ sinh cá nhân sạch sẽ.
– Vệ sinh môi trường xung quanh nơi ở.
– Tẩy uế quần áo, ga gối.
– Đi khám tại các phòng khám chuyên khoa da liễu để điều trị kịp thời phòng lây nhiễm cho những người trong gia đình.
7. Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ghẻ
a, Thực phẩm người bệnh nên ăn
– Thực phẩm chứa protein : như bơ, chuối, sữa đậu nành, đậu hà lan, bông cải xanh, cá hồi, thịt heo nạc…việc bổ sung đủ lượng protein quan trọng sẽ giúp cho hệ miễn dịch trong cơ thể hoạt động tốt hơn, đồng thời giúp đỡ cho việc phòng ngừa những tình trạng viêm nhiễm.
– Thực phẩm chứa vitamin c : có trong các loại quả cam, ổi, ớt chuông….. Đây cũng là một hoạt chất khá hữu ích cho quá trình nâng cao sức đề kháng, kháng viêm và miễn dịch trong cơ thể
– Thực phẩm chứa kẽm : gồm ngũ cốc nguyên hạt, nấm, tỏi, hạt bí… vì kẽm có khả năng gia tăng sự thèm ăn và giúp cải thiện hiện tượng không muốn ăn của người bệnh.
– Thực phẩm chứa vitamin e : gồm ngũ cốc, dưa leo, bắp, cà chua, đu đủ…nhóm này có chứa thành phần giúp chống oxy hóa cực kỳ hiệu quả và hữu ích trong việc gia tăng sức đề kháng .
– Ngoài ra người bệnh cũng nên uống nhiều nước lọc: uống đủ nước mỗi ngày sẽ giúp cơ thể đào thải chất độc thuận lợi hơn.
Người bệnh bị ghẻ nên bổ sung các vitamin, hoa quả, rau củ
b, Thực phẩm người bệnh không nên ăn
– Tất cả các loại hải sản, đồ biển đặc biệt là: tôm, cua, cá, mực, ghẹ, nghêu, sò…khi bạn ăn nhiều hải sản khi đang điều trị bệnh ghẻ thì tình trạng ngứa sẽ càng tồi tệ hơn.
-Tránh những thực phẩm được chế biến từ gạo nếp: gạo nếp khiến những vùng da tổn thương lan rộng, mưng mủ, khó lành, nguy cơ nhiễm trùng tăng cao và để lại sẹo.
-Không ăn thịt gà trong thời gian điều trị ghẻ: sẽ khiến tổn thương trên da mưng mủ, lâu lành. Đặc biệt, một số người bị dị ứng với đạm gà sẽ khiến cơn ngứa càng có cơ hội bùng phát dữ dội hơn.
-Không sử dụng rượu bia và các đồ uống có chất kích thích: làm cho chức năng gan suy yếu khiến da ngứa ngáy, tổn thương trên da lâu lành.
Người bệnh bị ghẻ nên hạn chế các loại hải sản trong quá trình điều trị