0984.064.115

THẬN TRỌNG KHI TRẺ MẮC HỘI CHỨNG BONG VẢY DA DO TỤ CẦU VÌ BỆNH CÓ THỂ GÂY RA NHỮNG BIẾN CHỨNG NGHIÊM TRỌNG

Ghi nhận tại Bệnh viện Phong và Da liễu tỉnh Sơn La gần đây đã tiếp nhận ca bệnh nhi V.A.S 16 ngày tuổi (trú tại xã Nậm Ét, Huyện Quỳnh Nhai). Bệnh nhi được đưa vào viện với tình trạng mệt mỏi, quấy khóc nhiều, da bị tổn thương, bong vảy, trợt loét, rỉ dịch, vùng da đỏ lan rộng. Qua cận lâm sàng được các bác sĩ Da liễu chẩn đoán mắc hội chứng 4S hay hội chứng bong vảy da do tụ cầu (Stahylococcal scalded skin syndrome).
Qua khai thác bệnh sử, 1 tuần trước khi vào viện bệnh nhân có những biểu hiện bệnh nhưng gia đình chỉ nghĩ là viêm da nên cho trẻ tắm lá cây ở nhà khiến tình trạng da trở nặng. Ngoài ra hoàn cảnh gia đình bệnh nhi khó khăn, điều kiện sinh hoạt kém, thiếu quần áo mặc cho trẻ là cơ sở để gây ra bệnh.

Bệnh nhi V.A.S được các y, bác sĩ khoa D2 chăm sóc, giáo dục sức khoẻ cho gia đình
Sau 7 ngày điều trị tại khoa D2 (Khoa Điều trị da Phụ nữ và Trẻ em) bằng kháng sinh kháng tụ cầu, vệ sinh và dưỡng ẩm da, tình trạng bệnh đã ổn định hơn, bề mặt da hết đỏ, giảm bong tróc. Các y, bác sĩ tại khoa đã giúp đỡ, tặng quần áo cho bệnh nhi, tư vấn giáo dục sức khoẻ cho người nhà hiểu thêm về bệnh, biết cách chăm sóc cho trẻ. Qua đây hãy cùng BSCKI.Vũ Thị Hoà (Trưởng khoa D2) tìm hiểu về bệnh và  từ đó bác sĩ có những lời khuyên tới các gia đình có trẻ nhỏ

1. Hội chứng bong vảy da là gì?

Hội chứng bong vảy da do tụ cầu (Staphylococcal Scalded Skin Syndrome – SSSS – hội chứng 4S) là bệnh nhiễm trùng da cấp tính do ngoại độc tố của tụ cầu vàng theo đường máu đến da và gây bệnh tại da. Bệnh hay gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt nặng đối trẻ sơ sinh; hiếm khi xảy ra ở người cao tuổi trừ khi họ bị suy thận hoặc bị suy giảm miễn dịch

Những thương tổn trên da bệnh nhi

2. Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh được gây nên bởi độc tố của vi khuẩn tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) nhóm 2 với chủng gây độc là týp 3A, 3B, 3C, 55 hoặc 71. Các chủng này tiết ra ngoại độc tố có tên là epidermolytic toxin hay etoxin (ET) gây ly giải thượng bì. Có hai loại độc tố ly giải thượng bì thường gặp là ETA và ETB, trong đó phần lớn là ETB.

Nguồn lây bệnh: có thể từ các bà mẹ mang vi khuẩn (bị áp xe vú do tụ cầu), hoặc những người nuôi dưỡng trẻ bị viêm da, viêm họng,… (bệnh có thể bùng phát thành dịch)

3. Biểu hiện lâm sàng 

Đặc điểm lâm sàng của SSSS rất khác nhau, tuỳ thể và giai đoạn bệnh nhưng nhìn chung, khởi đầu bệnh nhân thường sốt và phát ban đỏ ở các hốc tự nhiên như mắt, mũi, miệng hoặc các nếp gấp nách, bẹn. Các ban lúc đầu mịn, nhìn chưa rõ. Trong vòng 24-48 giờ, từ các ban đỏ sẽ hình thành các bọng nước, tạo thành các nếp nhăn trên da làm da trông thô sần và ráp, sờ như tờ giấy nhám “Sand paper”. Các vùng da đỏ lan rộng nhanh, trên bề mặt xuất hiện bọng nước mềm, nông, nhẽo. Các bọng nước sau khi trợt để lộ nền da đỏ ẩm ướt, vảy bong ra mỏng, cuộn lại như giấy cuốn thuốc lá và rất đau. Tổn thương hay gặp ở các vị trí nếp gấp, quanh hốc tự nhiên. Dấu hiệu Nicolsky (+) trong hầu hết các trường hợp SSSS lan toả, thậm chí khi chưa có bọng nước

Bệnh nhi bị đỏ da, trợt loét toàn thân, thương tổn tiết dịch

4. Biến chứng 

Hội chứng 4S được đánh giá là một trong những bệnh cấp cứu trong chuyên khoa da liễu nếu không được điều trị kịp thời có thể gây nhiễm trùng huyết dẫn đến tử vong. Tuy nhiên bệnh rất dễ gây nhầm lẫn với một số bệnh da liễu khác dẫn đến nhiều phụ huynh chủ quan tự điều trị cho trẻ ở nhà bằng phương pháp dân gian, khiến bệnh càng nặng hơn. Một số biến chứng phổ biến của hội chứng 4S: Mất nước, nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết, suy hô hấp; nguy hiểm hơn có thể dẫn đến viêm cầu thận thậm chí có thể tử vong.

5. Phòng bệnh bong vảy da do tụ cầu như thế nào?

Hội chứng bong vảy do tụ cầu nếu được chẩn đoán và điều trị sớm bệnh sẽ cải thiện nhanh chóng trong vòng 5-7 ngày vì vậy:

  • Khi phát hiện trẻ nhỏ xuất hiện những biểu hiện bất thường trên da như đỏ da, mụn nước,… cần cho trẻ đi khám tại bệnh viện, không được tự ý điều trị khi chưa được thăm khám và tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa. Nếu mẹ bị áp-xe vú do tụ cầu thì không nên cho con bú cho đến khi điều trị khỏi hẳn áp-xe này. Đối với những người nuôi dưỡng trẻ, nếu bị viêm da, viêm họng… cần điều trị khỏi hẳn mới tiếp tục chăm sóc trẻ.
  • Vệ sinh sạch sẽ: Gia đình phải vệ sinh tay trước và sau khi chăm sóc cho trẻ để tránh lây lan bệnh, thường xuyên thay tã, lau chùi vệ sinh. Tắm rửa sạch sẽ cho trẻ hằng ngày. Giữ da trẻ sạch sẽ và khô ráo
  • Cần bôi dưỡng ẩm thường xuyên cho trẻ (Ngày 2-3 lần)
  • Tránh tiếp xúc: khi có trẻ bị bệnh cần cách ly và không cho trẻ khỏe mạnh tiếp xúc với bệnh nhi. Không dùng chung đồ dùng cá nhân như khăn tắm, khăn mặt hoặc quần áo với bệnh nhân SSSS.
  • Tăng cường sức đề kháng: Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Cung cấp cho trẻ chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng.

Bệnh nhi sau 7 ngày điều trị tại Bệnh viện Phong và Da liễu tỉnh Sơn La

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.