Nhiễm nấm Dermatophytoses là một bệnh da liễu nhiều người mắc phải và rất khó chữa trị dứt điểm. Đặc biệt vào thời tiết nóng ấm, mưa nhiều cùng với việc vệ sinh không sạch sẽ là điều kiện tốt làm nấm phát triển. Bệnh có thể lan rộng, tồn tại dai dẳng, dễ tái phát nếu không điều trị đúng cách, hãy cùng Bệnh viện Phong và Da liễu tỉnh Sơn La tìm hiểu về nguyên nhân, nhận biết bệnh, cách chữa trị nấm dứt điểm
Vùng da bị bệnh tạo thành hình tròn như đồng tiền xu
1.Nguyên nhân gây bệnh
– Nấm nông (Dermatophytoses) được gây nên bởi 3 chủng nấm có khả năng xâm nhập, do đặc tính giống nhau về sinh học, hình dạng, và sinh bệnh học nên chúng được gọi tên là dermatophytes gồm Trichophyton, Epidermophyton và Microsporum.
– Một số nguyên nhân gây ra nấm thường gặp trong đời sống:
- Vệ sinh cơ thể không sạch sẽ: nhiều ngày không tắm rửa, mặc quần áo bẩn, nhiều ngày không thay hay mặc quần áo khi chưa khô, lúc còn ẩm là những thói quen xấu.
- Bị lây nhiễm bởi người bị nấm: khi sử dụng chung đồ như tư trang cá nhân, quần áo, khăn tắm hoặc tiếp xúc da trực tiếp với người bị nấm sẽ có nguy cơ lây nhiễm rất cao.
- Tác động từ môi trường sống bên ngoài: sống trong môi trường ô nhiễm, thường xuyên tiếp xúc với nước bẩn, hóa chất độc hại, khói bụi sẽ làm tăng nguy cơ bị nấm.
- Vi nấm xâm nhập từ vật nuôi: nếu như vật nuôi trong nhà như chó mèo không được sạch sẽ thì đây rất có thể là nơi ẩn trú của các loại vi nấm. Khi chúng ta tiếp xúc với vật nuôi thì rất có khả năng bị vi nấm xâm nhập gây ra bệnh.
Nấm có thể gặp ở tất cả các vị trí trên cơ thể
2. Biểu hiện của bệnh
– Các biểu hiện dễ dàng nhận biết của bệnh nấm đó là cảm giác ngứa ngáy đặc biệt là khi ra mồ hôi ở vùng da bị nấm, nhiều trường hợp kèm theo bong tróc, tróc vảy ở bề mặt da. Vùng da bị bệnh tạo thành hình tròn như đồng tiền xu, một hoặc có thể nhiều vùng như vậy.
– Ở giai đoạn mới mắc bệnh, các tổn thương ở da xuất hiện thành dạng những đám nhỏ bầu dục hoặc tròn có ranh giới. Tiếp theo chúng liên kết và hình thành một mảng lớn đa cung nổi ở trên bề mặt của da. Màu sắc ở vùng da nấm: nâu hoặc đỏ, cạnh sắc cứng, da bong tróc, ngứa ngáy. Nhiều trường hợp còn kèm theo các mụn mủ vàng hay mụn nước nhỏ rộp phồng lên vì bội nhiễm do gãi, cào làm xước da khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập.
– Nấm có thể gặp ở bất cứ vị trí nào nhưng hay gặp nhất là ở chân, thân mình, nơi có nếp gấp kẽ lớn: nách, bùi, bẹn, xung quanh thắt lưng,….
3. Phòng bệnh
Người mắc bệnh nấm rất dễ lây lan cho người khác thông qua các sinh hoạt hàng ngày vì vậy cần thực hiện các biện pháp sau:
- Không mặc chung quần áo, đồ dùng cá nhân với người khác.
- Không mặc quần áo ẩm, ướt. Lựa chọn trang phục thoải mái, chất liệu thấm hút tốt mồ hôi.
- Hạn chế tiếp xúc với những người mắc bệnh hoặc có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh. Những người mắc bệnh nấm cũng cần ý thức hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh.
- Đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ. Đồng thời lưu ý giữ vệ sinh cá nhân, tắm gội thường xuyên.
- Thường xuyên tập luyện thể dục nhằm nâng cao sức đề kháng. Bên cạnh đó đảm bảo chất dinh dưỡng, ăn uống đủ chất, tăng cường ăn nhiều rau xanh, trái cây.
- Cần nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng stress.
Bệnh nhân nấm lan toàn thân tại Bệnh viện Phong và Da liễu tỉnh Sơn La
4. Điều trị
Đây là bệnh rất dễ tái nhiễm nhiều lần và lan rộng nếu không biết cách điều trị gây cho người bệnh cảm giác ngứa ngáy, khó chịu, làm giảm chất lượng cuộc sống, gây mất thẩm mỹ,… Khi không được chữa trị dứt điểm từ đầu thì việc điều trị sau này sẽ rất khó khăn, người bệnh thậm chí phải sống chung với căn bệnh cả đời vì nấm sẽ tái phát bất cứ lúc nào.
– Điều trị thuốc bôi chống nấm tại chỗ.
– Điều trị toàn thân áp dụng trong trường hợp tái phát hoặc tổn thương rộng, thất bại với điều trị bằng thuốc bôi.
– Điều trị dự phòng tái phát.
Vì vậy, người bệnh nên đến Bệnh viện Phong và Da liễu tỉnh Sơn La để được thăm khám, tư vấn, xét nghiệm và điều trị bệnh hiệu quả, kịp thời, chấm dứt nỗi lo bệnh tật