0984.064.115

GIÁO DỤC SỨC KHOẺ BỆNH VIÊM DA TIẾP XÚC

Viêm da tiếp xúc là phản ứng viêm cấp tính hoặc mạn tính của da với một số yếu tố trong môi trường khi tiếp xúc với da.

– Viêm da tiếp xúc dị ứng (VDTXDƯ) là phản ứng tăng nhạy cảm của da đối với các dị nguyên.

– Viêm da tiếp xúc kích ứng (VDTXKƯ) là biểu hiện của phản ứng trên da đối với các tác nhân hóa học, lý học và sinh học bên ngoài

1. Biểu hiện của bệnh

Tổn thương trên da là dát đỏ, mụn nước, có khi loét trợt hoại tử, ngứa, rát bỏng.

2. Triệu chứng

          2.1. Viêm da tiếp xúc dị ứng 

Tổn thương cơ bản: phụ thuộc vào mức độ nặng, vị trí và thời gian bị bệnh, VDTXDƯ có thể cấp tính, bán cấp và mạn tính.

* Viêm da tiếp xúc dị ứng cấp tính

Biểu hiện là dát đỏ, ranh giới rõ, phù nề, trên bề mặt có mụn nước, sẩn. Trường hợp phản ứng mạnh có bọng nước kết hợp lại với nhau thành mảng. Bọng nước vỡ để lại vết trợt tiết dịch và đóng vảy tiết. Cơ năng có ngứa.

* Viêm da tiếp xúc dị ứng bán cấp

Biểu hiện là những mảng, dát đỏ nhẹ, kích thước nhỏ, trên có vảy da khô, đôi khi kèm theo những đốm màu đỏ nhỏ hoặc những sẩn chắc, hình tròn.

* Viêm da tiếp xúc dị ứng mạn tính

Biểu hiện là da dày, lichen hóa, nếp da sâu thành những đường kẻ song song hoặc hình thoi, bong vảy da cùng các sẩn vệ tinh, nhỏ, chắc, hình tròn, phẳng, những vết xước, dát đỏ và nhiễm sắc tố. Bệnh thường gặp ở người đã mẫn cảm với dị nguyên gây viêm da tiếp xúc.

Tổn thương có thể cấp tính hoặc mạn tính phụ thuộc vào hoàn cảnh tiếp xúc, đậm độ của dị nguyên, tần suất tiếp xúc, đa số các trường hợp có tính chất đối xứng.

          2.2. Viêm da tiếp xúc kích ứng

* Phản ứng kích ứng:

Là biểu hiện nhẹ gồm đỏ da nhẹ, bong vảy, mụn nước hoặc vết trợt, thường gặp ở mặt mu bàn tay và ngón tay. Bệnh hay xảy ra ở người làm các công việc có tiếp xúc với nước, có thể tự khỏi hoặc tiến triển thành VDTXKƯ.

* Viêm da tiếp xúc kích ứng: 

Xảy ra do tiếp xúc với hoá chất mạnh như acid và kiềm. Biểu hiện nhẹ gồm châm chích, rát bỏng, da khô căng hoặc sẩn phù thoáng qua. Biểu hiện nặng gồm đỏ, phù nề, đau, mụn nước, bọng nước, mụn mủ, lột da, hoại tử.

* Viêm da tiếp xúc kích ứng mạn tính

Đây là một bệnh hay gặp, xuất hiện khi tiếp xúc nhiều lần với chất có nồng độ thấp như xà phòng, dầu gội đầu. Các yếu tố thuận lợi gồm cọ xát, sang chấn, độ ẩm thấp. Bệnh xảy ra vài tuần, vài tháng, có thể vài năm sau khi tiếp xúc với chất kích ứng. Biểu hiện gồm da đỏ, bóc vảy, nứt nẻ, lichen hóa, giới hạn không rõ với da lành, ngứa. Viêm da bàn tay hay gặp ở phụ nữ hơn nam giới do tiếp xúc với các chất kích ứng khi làm công việc nội trợ.

   

Hình ảnh bệnh nhân viêm da tiếp xúc tại Bệnh viện Phong và Da liễu tỉnh Sơn La

3. Điều trị

– Tìm và loại bỏ được căn nguyên gây bệnh.

– Điều trị phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh, mức độ bệnh.

– Hồi phục hàng rào bảo vệ da.

4. Phòng bệnh

– Tránh tiếp xúc với các chất gây dị ứng, kích ứng; dùng đồ bảo hộ phù hợp khi làm việc trong môi trường có chất kích ứng hoặc dị nguyên nghi ngờ; tư vấn nghề nghiệp phù hợp cho người bệnh.

– Dùng kem bảo vệ, sản phẩm làm sạch thích hợp.

– Thường xuyên bôi kem làm ẩm, nhất là sau khi làm việc, để chống nứt, khô da, tránh sự xâm nhập của các chất kích ứng, dị ứng.

5. Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh viêm da tiếp xúc

   5.1.Người bệnh viêm da tiếp xúc nên ăn:

Các loại dầu thực vật, dầu cá: Giúp giảm các triệu chứng viêm sưng, thành phần của các loại thực vật, dầu cá còn có nhiều protaglandin, acid gamma – liolenic giúp giảm các yếu tố sưng, viêm ngoài da, thích hợp với người viêm da tiếp xúc.

Các thực phẩm giàu kẽm: Đồ ăn giàu chất kẽm sẽ giúp bổ sung tổng hợp protein, từ đó giúp cho các vết thương sớm được chữa lành hơn. Một số loại thực phẩm giàu chất kẽm như: Đậu Hà Lan, các loại thịt lợn, bò, gà, gạo, bột yến mạch,…liều lượng thích hợp là tối đa 30mg kẽm mỗi ngày.

Thực phẩm giàu quercetin: Có trong nhiều loại quả, rau, đây là một chất chống oxy hóa và kháng histamine tự nhiên khá tốt. Khi sử dụng có thể giúp giảm viêm, giảm sưng, ngứa, giảm mức độ histamine trong cơ thể.. Quercetin có trong một số loại thực phẩm bao gồm: Táo, việt quất, anh đà, bông cải xanh hoặc bông cải trắng, cải xoăn, rau chân vịt….

Bệnh nhân viêm da tiếp xúc nên bổ sung các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa giúp giảm tình trạng sưng, ngứa ngáy khó chịu.

Thực phẩm chứa probiotic: Đây là thành phần có lợi cho hệ tiêu hóa, rất tốt cho hệ miễn dịch, giúp ngăn ngừa các đợt dị ứng gây ảnh hưởng xấu đến làn da.

– Các loại thực phẩm giàu probiotic như: Sữa chua, các loại súp, phô mai.

Bệnh nhân viêm da tiếp xúc nên bổ sung các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa 

   5.2. Các thực phẩm không nên ăn

Tránh tuyệt đối các loại thực phẩm là nguyên nhân gây kích ứng, dị ứng như:

– Những loại hải sản, tôm, cua, cá,…

– Rượu bia

– Thức ăn đóng hộp

– Một số loại hạt

– Các loại thịt béo, chứa nhiều mỡ

– Các loại thức ăn nhiều gia vị cay nóng,…

Những nhóm thực phẩm trên được khuyến cáo không tốt cho bệnh nhân viêm da tiếp xúc, ảnh hưởng đến quá trình điều trị và càng làm cho bệnh trở nên trầm trọng hơn. Do vậy, bạn nên hạn chế hoặc kiêng hẳn các món ăn để giảm thiểu tình trạng bệnh.

Xây dựng chế độ dinh dưỡng cho người bệnh viêm da tiếp xúc là một việc làm cần thiết giúp rút ngắn thời gian điều trị, cải thiện tình trạng bệnh và giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.