0984.064.115

GIÁO DỤC SỨC KHOẺ BỆNH VIÊM DA CƠ ĐỊA

Viêm da cơ địa (trước đây được gọi là chàm thể tạng) là bệnh da viêm mạn tính, ngứa, hay tái phát, có tăng IgE, thường gặp ở người có tiền sử gia đình hen, viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ em và có thể tồn tại suốt đời.

1. Nguyên nhân gây bệnh

– Yếu tố môi trường đóng vai trò khởi phát.

– Yếu tố di truyền

– Rối loạn cân bằng đáp ứng miễn dịch, vì vậy mất cân bằng đáp ứng miễn dịch

2. Triệu chứng

Triệu chứng lâm sàng Bệnh viêm da cơ địa có các biểu hiện khác nhau tuỳ theo lứa tuổi.

– Viêm da cơ địa ở trẻ nhũ nhi

+ Bệnh phát sớm khoảng 2-3 tháng sau sinh, tổn thương là đám đỏ da, ngứa, sau đó xuất hiện nhiều mụn nước nông nhỏ như đầu đinh ghim tập trung thành từng đám, dễ vỡ, xuất tiết và đóng vảy tiết, có thể bội nhiễm, hạch lân cận sưng to.

+ Vị trí hay gặp nhất là 2 má, có thể ở da đầu, trán, cổ, thân mình, mặt dưới các chi. Khi trẻ biết bò có thể xuất hiện tổn thương ở đầu gối. Không thấy tổn thương ở vùng tã lót.

+ Trẻ có thể dị ứng với một số thức ăn như sữa, hải sản, thịt bò, thịt gà… Khi không ăn các thức ăn gây dị ứng thì bệnh viêm da cơ địa giảm rõ rệt.

+ Bệnh hay tái phát, mạn tính và rất nhạy cảm với các yếu tố như nhiễm trùng, mọc răng, tiêm chủng, thay đổi khí hậu hay môi trường sống.

– Viêm da cơ địa ở trẻ em

+ Thường từ viêm da cơ địa nhũ nhi chuyển sang.

+ Tổn thương là các sẩn đỏ, vết trợt, da dày, mụn nước khu trú hay lan toả cấp tính kèm theo nhiễm khuẩn thứ phát.

+ Vị trí hay gặp nhất là ở khoeo, nếp gấp khuỷu tay, mi mắt, hai bên cổ, cẳng tay, ở cổ có sạm da mạng lưới, ít khi ở mặt duỗi các chi.

+ Bệnh thường trở nên cấp tính khi trẻ tiếp xúc với lông súc vật, gia cầm, mặc đồ len, dạ…

+ Nếu tổn thương trên 50% diện tích da, trẻ thường suy dinh dưỡng.

+ Khoảng 50% sẽ khỏi khi trẻ được 10 tuổi.

– Viêm da cơ địa ở thanh thiếu niên và người lớn

+ Biểu hiện là mụn nước, sẩn đỏ dẹt, có vùng da mỏng trên mảng da dày, lichen hoá, ngứa. Vị trí hay gặp: nếp gấp khuỷu, khoeo, cổ, rốn, vùng da quanh mắt. Khi bệnh lan toả thì vùng nặng nhất là các nếp gấp.

+ Viêm da lòng bàn tay, chân: gặp ở 20-80% người bệnh, có thể là dấu hiệu đầu tiên của viêm da cơ địa ở người lớn.

+ Viêm da quanh mi mắt, chàm ở vú.

+ Tiến triển mạn tính, ảnh hưởng nhiều bởi các dị nguyên, môi trường, tâm sinh lý người bệnh.

– Các biểu hiện khác của viêm da cơ địa

+ Khô da: do tăng mất nước qua biểu bì.

+ Da cá, dày da lòng bàn tay, bàn chân, dày sừng nang lông, lông mi thưa.

+ Viêm môi bong vảy.

+ Dấu hiệu ở mắt, quanh mắt: mi mắt dưới có thể có 2 nếp gấp, tăng sắc tố quanh mắt, viêm kết mạc tái diễn có thể gây lộn mi.

+ Chứng da vẽ nổi.

3. Tiến triển và biến chứng

– Khoảng 70% trẻ bị viêm da cơ địa sẽ khỏi khi lớn lên. Còn lại 30% kéo dài dai dẳng.

– Khoảng 30-50% người bệnh viêm da cơ địa sẽ xuất hiện thêm các bệnh dị ứng khác như viêm mũi dị ứng, hen phế quản.

4. Điều trị

– Điều trị tùy theo giai đoạn, mức độ bệnh.

– Dùng các sản phẩm chăm sóc da, dưỡng ẩm thường xuyên, duy trì.

5. Phòng bệnh

– Duy trì sữa tắm dưỡng ẩm, kem dưỡng ẩm, tăng cường bôi kem dưỡng ẩm khi thời tiết hanh khô, ít nhất 2-3 lần mỗi ngày.

– Tắm nước ấm, không quá nóng, không quá lạnh, nhiệt độ < 36°C, ngay sau khi tắm xong bôi thuốc ẩm da, dưỡng da.

– Giảm các yếu tố khởi phát: giữ phòng ngủ thoáng mát, tránh tiếp xúc lông gia súc, gia cầm, len, dạ, giảm bụi nhà, giảm stress, nên mặc đồ vải cotton.

– Ăn kiêng chỉ áp dụng cho trường hợp bệnh nặng, trẻ nhỏ, khi đã xác định rõ loại thức ăn gây kích thích.

– Giáo dục người bệnh, người nhà người bệnh kiến thức về bệnh, yếu tố khởi động, quan điểm điều trị, lợi ích và nguy cơ.

– Tư vấn cho những người có yếu tố gia đình các biện pháp phòng bệnh

6. Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh viêm da cơ địa

a, Những thực phẩm người bệnh nên ăn như:

    • Rau, củ, quả: đây là nhóm thực phẩm cung cấp nhiều các loại vitamin tăng sức đề kháng và tốt cho da, giúp bệnh viêm da cơ địa được cải thiện. Một số loại rau củ quả nên dùng như: cà chua, rau cải xanh, bắp cải, súp lơ, rau má, bưởi, cam….. Nhóm thực phẩm này sẽ giúp cải tạo lớp tế bào sừng trên da, giúp ích khá nhiều cho việc điều bệnh.
    • Bổ sung thực phẩm giàu protein: các loại thực phẩm như cá, lòng trứng, nấm, thịt heo, thịt bò….sẽ giúp làm bền vững các mô liên kết dưới da, hạn chế những tổn thương do viêm da cơ địa gây ra.
    • Ngũ cốc: các loại ngũ cốc như gạo, ngô, khoai, bột mì….nhóm thực phẩm giàu tinh bột cũng rất cần thiết trong việc cải thiện bệnh viêm da cơ địa.

Những loại thực phẩm này tưởng chừng như không liên quan gì đến bệnh nhưng thực chất chúng lại có khả năng tăng sức đề kháng, tạo ra kháng khuẩn giúp bảo vệ cơ thể khỏi những yếu tố tác động tấn công gây bệnh.

Bệnh nhân viêm da cơ địa thường gặp nhiều thay đổi trên làn da, khiến da trở nên ngứa ngáy và nhạy cảm hơn bình thường. Do vậy, các bệnh nhân nên lưu ý tăng cường bổ sung chất xơ và các loại vitamin để tăng khả năng phục hồi cho làn da.

    b, Những thực phẩm người bệnh không nên ăn như:

    • Các loại thịt đỏ: thịt bò, thịt cừu… vì thành phần chứa nhiều chất béo bão hòa nên dễ thúc đẩy các phản ứng viêm.
    • Sản phẩm từ sữa: Sữa bò, phô mai…
    • Thực phẩm giàu tinh bột: Bánh mỳ, mỳ ống…Và các loại kẹo có đường và những đồ uống kích thích.

Để phòng tránh bệnh viêm da cơ địa, người bệnh cần đặc biệt lưu ý tới chế độ ăn uống. Ngoài việc chú trọng bổ sung các loại thực phẩm có lợi kể trên, bệnh nhân tuyệt đối tránh xa những thức ăn, đồ uống không nên ăn nếu không muốn bệnh “bùng phát” nhanh chóng, dai dẳng và ngày càng khó chữa.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.